Muôn kiểu mưu sinh của giáo viên mùa dịch

Đăng lúc: 16:06:03 21/04/2020 (GMT+7)

Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trong trường học, học sinh từ cấp học mầm non đến tiểu học, THCS, THPT đều phải tạm nghỉ học. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của giáo viên và hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hơn 1 tháng không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng tại 4 cơ sở và một số chi phí khác; nhà đầu tư Hệ thống Trường Mầm non song ngữ thực hành Talent Kids, tại TP Thanh Hóa đã không thể trả lương cho cán bộ, nhân viên, giáo viên. Đã có 3 giáo viên của trường xin thôi việc và số người nghỉ việc sẽ tăng nếu trường tiếp tục không có khả năng trả lương.

Cô Lê Thị H, giáo viên Trường Mầm non song ngữ thực hành Talent Kids cho biết: “Trong thời điểm học sinh nghỉ học phòng chống Covid-19, nhiều cô giáo trong trường đã phải buôn bán, kinh doanh nhiều mặt hàng để xoay sở cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với vô vàn khoản cần chi tiêu. Chúng tôi đang không biết khi nào trường mới mở cửa trở lại và học sinh được đi học. Trong thời gian học sinh nghỉ học, tôi vừa ở nhà trông con, vừa bán hàng online để có thêm thu nhập cho gia đình”.  Phải tận mắt chứng kiến cảnh cô H vừa chăm 2 đứa con vừa trả lời khách mua hàng trên mạng, xung quanh là những đống hàng ngổn ngang chuẩn bị giao cho khách, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự vất vả của các cô giáo trường mầm non tư thục nói riêng và các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay.

Trung tâm Ngoại ngữ Golden Key, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) được thành lập từ năm 2010, hiện có gần 30 lao động, trong có 17 giáo viên đứng lớp gồm cả giáo viên người Việt Nam và giáo viên nước ngoài. Gần 3 tháng học sinh nghỉ học, trung tâm hoàn toàn không có nguồn thu nên gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính. Ngoài tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, nhiều loại phí dịch vụ cố định để duy trì trung tâm cũng như trả lương cho giáo viên và người lao động là một khoản tiền lớn. Cụ thể, với những giáo viên người Việt, trung tâm chỉ trả tiền đóng BHXH, còn tiền đứng lớp, lương hàng tháng thì phải cắt hoàn toàn vì không có nguồn. Còn riêng giáo viên người nước ngoài thì phải trả thêm tiền ăn, ở, đi lại cho họ, mỗi người khoảng 7 triệu đồng/tháng.

 

Cô K buôn bán hoa quả để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Hơn một tháng nay chị Đàm Thị T, giáo viên  một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Thanh Hóa cho biết: “Học sinh nghỉ học, nhà trường đóng cửa, cuộc sống khá chật vật vì đồng lương giáo viên mầm non không cao so với nhiều nghề khác nhưng đó vẫn là khoản thu nhập chính đối với gia đình chị. Những ngày học sinh nghỉ học, trường không có nguồn thu, chỉ được nhận một phần hỗ trợ từ nhà trường là đóng tiền bảo hiểm. Trong thời gian nghỉ này tôi làm nhiều công việc khác nhau như bán hàng online, dọn dẹp nhà cửa theo giờ... để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống của gia đình”.

Được biết, hiện các trường tư thục trên địa bàn thành phố có 16 trường mầm non, 2 trường liên cấp, 4 trường tiểu học, 47 công ty có trung tâm dạy học ngoại ngữ cùng rất nhiều các nhóm trông giữ trẻ. Dịch bệnh kéo dài, tất cả các cơ sở đều phải đóng cửa dừng hoạt động khiến cho nhiều nơi đang rơi vào khó khăn. Đây là tình trạng chung mà tất cả các cơ sở giáo dục phải đối mặt. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện những trường tư thục quy mô lớn đều hỗ trợ tiền lương cơ bản và đóng bảo hiểm đối với người lao động. Còn các cơ sở giáo dục tư thục quy mô vừa và nhỏ đang rất khó khăn và hầu như không có sự hỗ trợ nào đối với người lao động. Không ít người lao động tại các cơ sở giáo dục tư thục đã phải chủ động thôi việc hoặc tạm thời tìm kiếm công việc khác trong thời gian học sinh nghỉ học do dịch Covid-19.

Cô Trần Thị K, giáo viên Trường Mầm non Vườn mặt trời (TP Thanh Hóa) cho biết: “Rất may mắn cho những người giáo viên tư thục như tôi là nhà trường vẫn trả lương cơ bản khi nghỉ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, để trang trải thêm cuộc sống, từ khi học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, tôi từ cô giáo đã trở thành “con buôn”. Tôi buôn đủ mọi thứ, từ khẩu trang, tinh dầu sả đến các loại hoa quả, bánh trái... để có thêm thu nhập”.

Từ những chia sẻ của các cô giáo có thể thấy, các cơ sở giáo dục tư thục hiện đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19. Mặc dù đang gặp khó khăn nhưng hầu hết giáo viên cho rằng sức khỏe là quan trọng nhất nên các em học sinh chỉ đến trường khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn, do đó cần chung tay nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn.

 
Hoàng Lan